Điểm hấp dẫn của một chiếc bánh trung thu ngay từ cái nhìn đầu tiên chính là màu vàng nâu bóng loáng và những đường nét hoa văn sắc sảo của lớp vỏ bánh. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể tạo ra một lớp vỏ bánh trung thu hoàn hảo ngay từ lần đầu tiên làm bánh, rất nhiều trường hợp vỏ bánh bị khô cứng, rạn nứt, chỗ lồi chỗ lõm, hoa văn bị mất nét. Vậy làm thế nào để có được một lớp vỏ bánh trung thu như ý? Hôm nay, hãy cùng bếp công nghiệp Toàn Phát thử qua công thức và một số mẹo làm vỏ bánh trung thu này nhé!
Công thức bột làm vỏ bánh trung thu
– 240g bột mì (Tùy theo hàm lượng protein trong bột sẽ quyết định đến độ mềm xốp của vỏ bánh, bạn có thể kết hợp 120g bột làm bánh ngọt và 120g bột làm bánh mì )
– 160g nước đường bánh nướng
– 30g dầu ăn hoặc dầu đậu phộng
– 1 lòng đỏ trứng gà
– 10gr bơ đậu phộng (2 muỗng café đầy)
– ¼ muỗng café ngũ vị hương
Công thức nước đường bánh nướng
– 1kg đường (Có thể sử dụng đường cát trắng, đường vàng hoặc đường nâu đều được. Dùng đường vàng và nâu màu nước đường cho ra sẽ đậm hơn cho màu sắc bánh lên đẹp hơn, không nên sử dụng đường thốt nốt trong trường hợp này)
– 600ml nước
– 1 trái chanh khoảng 70g (Bỏ hạt, giữ lại vỏ chanh)
– 30g mạch nha (Có thể không sử dụng vẫn không sao)
Một số lưu ý trong quá trình làm vỏ bánh trung thu
Đối với công thức bột
– Công thức bột trên, bạn có thể cho ra 450g bột vỏ bánh, số lượng bánh làm ra phụ thuộc vào loại khuôn bạn chọn và độ dày mỏng bạn mong muốn.
– Loại bột mì bạn dùng có yếu tố quyết định rất lớn cho chất lượng vỏ bánh. Bột làm bánh ngọt (bột mì số 8) là phương án được nhiều người lựa chọn, bởi lớp vỏ bánh làm ra từ loại bột này sẽ mềm xốp hơn.
– Nếu nơi bạn sống không tìm được nguyên liệu bơ đậu phộng, bạn hoàn toàn có thể không sử dụng và cũng không ảnh hưởng đến chất lượng vỏ bánh.
– Nếu bột bị khô cứng bạn có thể do các nguyên nhân sau: sử dụng nước đường mới nấu xong, sử dụng bột mì cũ sẽ có lượng protein cao khiến vỏ cứng hơn, nướng bánh quá nhiều lần hoặc để lâu trong nhiệt độ cao.
– Nếu bạn muốn vỏ bánh cứng hơn bạn có thể dùng bột mì số 11
Đối với nước đường:
– Nước đường nên được làm trước từ vài tháng đến 1 năm. Nhưng nếu bạn không chuẩn bị kịp có thể làm trước từ 2 tuần trở lên cũng có thể làm được. Ở thời điểm hiện tại còn khoảng 2 tháng sẽ đến Trung Thu bạn nên làm nước đường ngay là vừa.
– Để nhận biết nước đường đun đã vừa chưa bạn chuẩn bị một chén nước nhỏ đặt cạnh trong lúc đun. Sau khoảng 40 – 45 phút, bạn thử múc 1 ít nước đường nhỏ vào chén nước nếu thấy lan ra dưới đáy chén thành vòng tròn thì đường đã đạt chuẩn
– Khi nước đường đã đạt chuẩn, bạn nên tắt bếp, bắt nồi xuống và vớt vỏ chanh ra. Đợi nước đường gần nguội dùng vá (muôi) lớn múc nước đường cho vào lọ, không đổ cả nồi vào cùng 1 lúc sẽ bị lợi đường. Nước đường nguội hẳn thì đóng nắp lọ lại.
– Trong quá trình đun tuyệt đối không được khoáy, nếu khoáy sẽ gây ra hiện tượng lợi đường, như vậy xem như thất bại và phải làm lại từ đầu.
Hướng dẫn các bước làm vỏ bánh trung thu mềm xốp
Làm nước đường:
Bước 1: Vắt chanh lấy phần nước cốt và bỏ hạt đi
Bước 2: Đun sẵn nước sôi. Cho đường vào nồi, sau đó đổ nước sôi vào và khoáy đều cho đường tan ra.
Bước 3: Bắt nồi nước đường vừa khoáy lên bếp, đun đến khi sôi và xuất hiện bọt trắng thì hạ lửa ở mức độ vừa, vớt sạch bọt để giữ độ trong cho nước đường.
Bước 4: Đổ phần nước chanh đã vắt sẵn vào nồi nước đường và đun ở mức lửa liu riu, cho vỏ chanh vào đun cùng khoảng 50 – 60 phút.
Làm vỏ bánh trung thu:
Bước 1: Cho bột vào rây xuống âu để loại bỏ các phần bột bị vón cục
Bước 2: Tạo một lỗ tròn giữa âu bột và cho lần lượt các nguyên liệu còn lại vào giữa
Bước 3: Khoáy đều phần hỗn hợp ở giữa để hỗn hợp này từ từ hòa quyện với phần bột khô từ trong ra ngoài. Sau đó, bạn bắt đầu nhào bột cho đến khi bột đều và đạt trạng thái dẻo mịn. Nếu bột trộn xong bị khô, bạn có thể cho thêm nước đường hoặc dầu ăn.
Bước 4: Bọc kín bột lại và để cho bột nghỉ khoảng 30 – 40 phút
Bước 5: Lấy bột ra, dùng cân để chia bột ra thành từng phần bằng nhau. Dùng cây cán bột phủ một lớp bột mì cán các phần bột đã chia, độ mỏng vừa phải. Lớp bột được cán nên có phần rìa dày hơn phần tâm và kích thước không quá rộng, độ rộng bằng 2/3 phần nhân.
Bước 6: Đặt nhân vào giữa và miết dần phần rìa bột đến khi bao trọn phần nhân. Nếu bên trong có không khí, hơi phồng và mềm thì chúng ta dùng tâm tre chọc vào cho không khí thoát ra.
Bước 7: Cho phần bánh vào khung đã được quét 1 lớp dầu ăn mỏng và thực hiện ép khuôn tạo hình cho bánh. Sau khi bánh đã thành hình bạn lấy ra khỏi khung và cho vào lò nướng bánh đã được khởi động làm nóng trước đó.
Xem thêm: Cách nướng bánh trung thu bằng lò nướng bánh hiệu quả
Đối với các bạn làm bánh trung thu với mục đích kinh doanh, bạn sẽ phải chế biến một khối lượng bột lớn nhưng phải đảm bảo được sự đồng đều chất lượng và thời gian giao hàng cho khách. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng các loại thiết bị làm bánh chuyên nghiệp hỗ trợ như: máy trộn bột, máy cán bột, máy chia bột,…để có thể nhanh chóng cho ra những chiếc bánh hoàn hảo đến được tay khách hàng.
Hy vọng nội dung bài viết phần nào đó có thể giúp ích được cho bạn có được những mẻ bánh thơm ngon đẹp mắt. Chúc bạn thành công!