10 TRĂN TRỞ CỦA CHỦ ĐẦU TƯ KHỞI NGHIỆP MỞ NHÀ HÀNG

Mở nhà hàng cần một quá trình lâu dài từ khâu tìm hiểu đến khi lập kế hoạch và hiện thực hóa được nó. Trong bài viết hôm nay, Toàn Phát sẽ nêu tên 10 trăn trở thường gặp nhất của mọi chủ đầu tư và những gợi ý siêu hữu ích cho những ai đang ấp ủ mong muốn mở nhà hàng cho riêng mình.

  1. Nhu cầu thị trường là gì?

Có 2 kiểu thông dụng khi kinh doanh nhà hàng:

– Một là, kinh doanh những món bình thường, đã có nhiều nhà hàng khác tương tự​​​​​​

– Hai là, món ăn hoàn toàn đặc biệt, chưa hoặc có rất ít đối thủ

Trong bất cứ trường hợp nào, nhu cầu thị trường vẫn luôn là một trong những trăn trở lớn nhất của chủ đầu tư bởi nó góp phần tiên quyết tạo nên sự thành công của nhà hàng.

Trường hợp thứ nhất, nếu kinh doanh những món ăn quen thuộc, bạn cần xác định rõ nhu cầu của thị trường còn lớn không? Còn chỗ chen chân cho bạn không? Bạn sẽ bán đại trà những món ăn đó, theo phong cách đó hay chọn cho mình một phân khúc khách nhỏ riêng/tạo một dấu ấn riêng? Nếu là những món ăn quen thuộc, bạn có khả năng làm ngon hơn, đặc biệt hơn vô số đối thủ ngoài kia không?

Trường hợp thứ hai – phong cách mới lạ, chưa hoặc rất ít đối thủ. Vậy bạn càng nên tìm hiểu thị trường hiện tại bạn chọn có thực sự có nhu cầu không? Nhu cầu đó đủ lớn để bạn làm một nhà hàng riêng không?  Liệu mọi người có chấp nhận “luồng gió mới” này không?

Hay nói cách khác, tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng chính là xác định khách hàng mục tiêu của mình.

  1. Chọn mô hình kinh doanh nào?

Mô hình, bao gồm quy mô và gắn với những điểm quan trọng khác như nhu cầu thị trường và đặc biệt là chi phí.

Bạn sẽ mở nhà hàng hay quán ăn nhỏ? Món ăn kiểu Âu hay kiểu Á? Có thể kể đến một vài mô hình phổ biến hiện nay như: buffet, take away, kết hợp nhà hàng – café bar, chuỗi…

  1. Chi phí mở nhà hàng hết bao nhiêu?

Sau khi đã tìm hiểu nhu cầu thị trường và xác định mô hình kinh doanh, bạn có thể phác thảo ra một bản kế hoạch chi phí dựa vào nguồn vốn của mình.

Về cơ bản, chi phí mở nhà hàng gồm các khoản sau:

– Chi phí mặt bằng: Gồm tiền đặt cọc và tiền thuê hằng tháng

– Chi phí thiết kế, thi công và trang trí nội thất: Bao gồm không gian phục vụ của nhà hàng và không gian bếp, WC,…

– Chi phí nguyên liệu: Nguyên liệu khô trữ lâu dài, nguyên liệu tươi sống nhập hằng ngày/cách ngày

– Chi phí truyền thông: Chi phí truyền thông cho ngày khai trương và các chi phí duy trì Marketing hằng tháng (làm web, chạy quảng cáo, khuyến mãi giảm giá, tặng voucher…)

Chi phí quản lý: Hệ thống camera, các thiết bị và phần mềm quản lý,…

– Lương nhân viên

– Chi phí khác: Vệ sinh, điện nước, thuế,…

  1. Thủ tục kinh doanh gồm những gì?

Thủ tục kinh doanh gồm 2 nhóm chính: Thủ tục đăng ký kinh doanh và Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm và một vài thủ tục liên quan khác.

Giấy phép đăng ký kinh doanh

Có thể ở những quy mô sau:

– Cá nhân kinh doanh – kinh doanh quán ăn rất nhỏ

– Hộ kinh doanh – quán ăn vừa, nhà hàng vừa và nhỏ

– Doanh nghiệp – chuỗi quán, nhà hàng vừa và lớn

Đăng ký trong vòng khoảng 10 ngày tại phòng đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Thủ tục bao gồm:

– Tên hộ kinh doanh

– Địa chỉ kinh doanh

– Ngành, nghề kinh doanh; Tổng vốn kinh doanh

– Giấy CMND

– Địa chỉ cư trú

– Chữ ký của cá nhân/đại diện hộ gia đình

– Bản sao tài liệu chứng minh tư cách pháp lý

Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm

Tùy vào quy mô nhà hàng mà yêu cầu để được cấp Giấy phép an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khác nhau. Đơn cử như ở quy mô hộ kinh doanh, nhà hàng phục vụ từ 200 suất ăn trở lên mới đủ điều kiện được cấp phép.

Một số thủ tục khác

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện Phòng cháy chữa cháy (PCCC)

– Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu

– Giấy phép kinh doanh bán lẻ thuốc lá

– Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường (tùy theo quy mô nhà hàng)

– …

  1. Chọn mặt bằng ở đâu?

Mặt bằng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong việc quyết định nhà hàng có thành công hay không. Mặt bằng tốt giúp khách hàng dễ thấy, dễ đến, tiết kiệm nhiều chi phí PR.

Lựa chọn mặt bằng cần căn cứ vào mô hình hiện tại của quán, món ăn mà quán phục vụ so với vị trí xung quanh, khách hàng tiềm năng tập trung ở đâu? Họ có khả năng thấy mình không?

Cũng không ít những mô hình lạ như nhà hàng kết hợp homestay đặt ở các vị trí hẻo lánh, trên núi,… nhưng điểm thu hút của họ là yếu tố cảnh đẹp, thiên nhiên. Vì vậy, lựa chọn mặt bằng thế nào gắn liền với kế hoạch PR mới mong đạt hiệu quả kinh doanh.

  1. Lựa chọn đơn vị thiết kế – thi công và trang trí nội thất?

Đây là công đoạn chiếm phần lớn chi phí cố định ban đầu khi mở nhà hàng. Hầu như tất cả các đơn vị chuyên thiết kế – thi công nhà hàng đều có thể tư vấn cho bạn nhiều kiểu mẫu khác nhau để lựa chọn. Tuy nhiên, quay trở ngược lại mục Tìm hiểu nhu cầu thị trường và Lựa chọn mô hình kinh doanh, việc định hình sẵn trong đầu một phong cách thiết kế cho nhà hàng của mình là vô cùng cần thiết.

Khách của bạn – với loại thức ăn mà bạn cung cấp, sẽ thích kiểu không gian như thế nào? Hiện đại hay cổ điển? Phóng khoáng hay riêng tư? Giản đơn hay kiểu cách? Theo kiến trúc Hy Lạp, Pháp, hay Nhật, Hàn?

Chính những phác họa này sẽ giúp nhà hàng của bạn là một mạch thống nhất từ menu đến không gian và phong cách tổng thể.

  1. Lựa chọn đơn vị thiết kế – thi công và cung cấp thiết bị công nghiệp?

Bếp ăn là một trong những phân khu quan trọng nhất của nhà hàng. Bếp ăn thiết kế thông minh, gọn gàng sẽ giúp khâu nấu nướng và phục vụ hiệu quả hơn.

Khác với thi công không gian quán, thiết kế và thi công bếp công nghiệp thường căn cứ vào chuyên môn của đơn vị cung cấp hơn do thiên về kỹ thuật, chủ đầu tư thường không tự tìm hiểu được nhiều thông tin.

Do đó, để có được căn bếp hiện đại như mong muốn cùng các thiết bị từ hạng nặng như lò nướng công suất lớn, máy rửa chén, máy rửa ly, tủ cơm công nghiệp… đến các vật dụng trong bếp đạt chuẩn chất lượng ở quy mô bếp công nghiệp, rất cần một đơn vị cung cấp uy tín. Chọn một đơn vị với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành cùng chế độ bảo hành và cam kết đồng hành lâu dài sẽ là yêu cầu thiết yếu nhất.

  1. Chọn nguồn nguyên liệu ở đâu?

Nguyên liệu bao gồm gia vị và tất cả các loại thực phẩm dùng chế biến món ăn cho nhà hàng. Nguyên liệu không chỉ quyết định chất lượng món ăn mà còn chiếm phần lớn trong chi phí hoạt động hằng ngày – cốt lõi hình thành nên giá thành món ăn.

Chọn mua nguyên liệu, căn cứ vào quy mô nhà hàng mà có thể tham khảo từ nhiều nguồn khác nhau. Từ chợ đầu mối đến các cơ sở sản xuất, các công ty cung cấp thực phẩm, hoặc ở quy mô lớn hơn có thể liên kết với các trại chăn nuôi (bò, sữa bò, gà, lợn,…) hoặc nhà vườn (rau củ quả). Và dù chọn ở đâu cũng nên nhớ là cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

  1. Lựa chọn và đào tạo nhân viên?

Nghe thì có vẻ dễ nhưng đối với những ai lần đầu mở nhà hàng, mối quan hệ giữa chủ – nhân viên luôn là một vấn đề gây đau đầu. Bạn có thể đi học một khóa quản trị nhân sự dành riêng cho nhà hàng, đọc thêm nhiều sách về quản lý nhà hàng trong trường hợp không có nhiều kỹ năng quản lý chuyên môn.

Cần có tài liệu và quy trình training thống nhất, quy định thưởng – phạt rõ ràng cùng với chính sách hợp lý để đào tạo và giữ chân được đội ngũ nhân viên tốt nhất cho nhà hàng.

  1. Quản lý, vận hành ra sao?

Bao gồm đội ngũ nhân viên phân cấp quản lý trong nhà hàng và các thiết bị hỗ trợ: hệ thống camera, các phần mềm quản lý kho nguyên liệu, phần mềm quản lý thu – chi,…

Hệ thống quản lý – vận hành cần vừa đủ lớn để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động, vừa tinh gọn để bộ máy không rườm rà, kém hiệu quả.

Trên đây là 10 trăn trở thường gặp ở các chủ đầu tư khi mở nhà hàng mà Toàn Phát nhận thấy là phổ biến nhất. Hy vọng bài chia sẻ góp phần hữu ích cho những ai đang xoay vòng trong kế hoạch của mình.

 

 

 

  • Facebook Icon
  • Twitter Icon
  • Pinterest Icon